Uốn ván: Thở máy chỉ vì vết trầy

Trong lúc cùng cha làm phụ hồ, không may, em N.H.N. (17 tuổi, ngụ Long An) dẫm phải chiếc đinh dài khoảng 3cm. Nghĩ vết thương sẽ nhanh lành nên sau khi rút đinh và băng bó vết thương N. không đi khám. Tuy nhiên, sau đó, em phải nhập viện và thở máy vì uốn ván.

Bác sĩ Hà Thị Hải Đường, Phó Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM cho biết N. là một trong 10 ca bệnh uốn ván đang điều trị tại bệnh viện.

Theo đó, N. vừa được cai máy thở sau 4 tuần vì bệnh uốn ván. Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết do hoàn cảnh khó khăn, em phải nghỉ học sớm để phụ cha mẹ kiếm tiền.

Thở máy chỉ vì vết trầy xước - Ảnh 2.
N. được bác sĩ thăm khám sau khi cai máy thở

Trong lúc cùng cha làm phụ hồ, không may, em dẫm phải chiếc đinh dài khoảng 3cm. Vết đâm khiến chân N. chảy máu. Sau đó, em rút đinh ra vệ sinh băng bó vết thương rồi tiếp tục làm việc vì nghĩ rằng vết thương nhỏ sẽ mau lành.

Tuy nhiên, 1 tuần sau, N. xuất hiện triệu chứng cứng hàm, đau cơ nên được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương thăm khám. Tại bệnh viện, em được chẩn đoán mắc uốn ván. Do bệnh chuyển nặng, em được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM điều trị.

Tại đây, trong quá trình điều trị, N. phải thở máy vì biến chứng nặng. Hiện sau 4 tuần, em đã được cai máy thở, sức khỏe dần hồi phục.

Đáng chú ý, hoàn cảnh khó khăn, N. không có bảo hiểm y tế, viện phí vượt khả năng của gia đình nên phải nhờ sự giúp đỡ từ phòng công tác xã hội bệnh viện.

Tương tự, cũng chỉ vì 1 vết xước trong lúc dọn dẹp đống củi ở nhà, ông L.V.Đ (83 tuổi, ngụ An Giang) cũng phải thở máy vì uốn ván.

Thở máy chỉ vì vết trầy xước - Ảnh 3.
Uốn ván là bệnh cấp tính nặng, có khả năng gây tử vong do độc tố của vi khuẩn uốn ván gây ra

Tranh thủ thời gian vào thăm cha tại phòng hồi sức, anh L.Đ.H (47 tuổi, ngụ An Giang) cho biết khi cha bị xước cũng nghĩ vết thương nhỏ nên chỉ dùng băng cá nhân băng lại. 8 ngày sau, ông có biểu hiện đau cơ nhưng tưởng bị đau xương khớp tuổi già nên gia đình đưa đến phòng khám tư tại địa phương tiêm thuốc.

Tuy nhiên, sau 4 ngày, tình trạng không giảm mà còn xuất hiện thêm triệu chứng cứng hàm, ăn uống khó khăn nên gia đình đưa đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP HCM thăm khám.

Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán ông Đ. bị uốn ván nên chuyển qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị. Tại bệnh viện, tình trạng ông Đ. suy hô hấp nên được đưa vào cấp cứu và thở máy cho đến nay.

Bác sĩ Hải Đường cho biết tại khoa điều trị khoảng 18 ca thì có 10 ca mắc uốn ván. Nguyên nhân gây bệnh thường bắt nguồn từ những vết trầy xước, vết thương do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, đạp đinh, gai, sâu răng… Tuy nhiên, cũng có khoảng 20% bệnh nhân không rõ vết thương ngõ vào.

Theo bác sĩ Hải Đường, uốn ván là bệnh cấp tính nặng, có khả năng gây tử vong do độc tố của vi khuẩn uốn ván gây ra. Bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc-xin.

Đối với trẻ em sẽ tiêm từ lúc 2,3,4 tháng tuổi. Đối với người lớn nếu chưa được tiêm ngừa thì nên chủ động tiêm 3 mũi để phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Bác sĩ Hải Đường cũng lưu ý, khi có vết thương như giẫm đinh bệnh nhân nên rút đinh tại chỗ, sau đó sử dụng oxy già để sát trùng. Nếu vết thương sâu, dơ thì nên đến cơ sở y tế để hướng dẫn chăm sóc và tiêm ngừa. Tuy nhiên, với miệng vết thương nhỏ nếu xử lý không đúng vẫn có thể dẫn đến uốn ván.

Theo bác sĩ Hải Đường, uốn ván có các triệu chứng như mỏi hàm, cứng hàm, nhai nuốt khó, ăn uống sặc, đau cơ. Nặng hơn bệnh nhân xuất hiện cứng cơ vùng cổ, lưng, cơ bụng, cơ tứ chi, có cơn gồng cơ toàn thân, co thắt thanh quản, khí quản dẫn đến suy hô hấp.

Tin, ảnh, clip: Hải Yến
Theo: Người lao động

Tác giả: Tiến

Chuyên viên tư vấn HSE tại baohotoandien.com + Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế EN, ASTM, JIS + Hướng dẫn sơ cứu